PHẦN MỞ ĐẦU

 

I.           Tính cấp thiết của đề tài

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh là trục xuyên Việt thứ 2, sau Quốc lộ 1A, được xây dựng trên cơ sở đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chiến tranh. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải trình Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7: “Tuyến đường này sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình phân bổ lại cho lao động và bố trí lại cơ cấu kinh tế, khai thác và phát triển có hiệu quả trên một vùng đất rộng lớn ở phía Tây đất nước, đặc biệt là khu vực Miền Trung và Tây Nguyên”. Lợi ích về phát triển kinh tế của tuyến đường Hồ Chí Minh là rõ ràng, tuyến đường sẽ là trục dọc Bắc - Nam chính yếu trong tương lai, góp phần thực hiện chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và là hành lang quan trọng ở phía Tây để góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167km (Trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km). Điểm đầu của tuyến đường là Pác Bó – Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi – Cà Mau.

Mục tiêu của Dự án đường Hồ Chí Minh là tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giầu tiềm năng kinh tế ở phía Tây tổ quốc; hình thành trục xuyên Việt thứ hai để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc – Trung – Nam; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, nhằm giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước cho con cháu thế hệ mai sau.

            Dự án đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/02/2007, theo đó phạm vi Quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

  Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được chia thành 3 giai đoạn:

Ø  Giai đoạn 1: Từ năm 2000 đến năm 2007: Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc – Hà Tây đến Tân Cảnh – Kon Tum.

Ø  Giai đoạn 2: Từ năm 2007 đến năm 2010: Nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó – Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi – Cà Mau.

Ø  Giai đoạn 3: Từ năm 2010 đến năm 2020: Hoàn chỉnh toàn tuyến đường và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh dự kiến được huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các nguồn vốn khác. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, kêu gọi vốn ODA hoặc nguồn vốn khác để đầu tư.

Trong nền kinh tế thị trường hội nhập hiện nay việc Chính phủ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và từ các nguồn vốn huy động, kêu gọi vốn ODA để thực hiện mục tiêu hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh đúng tiến độ thì việc xây dựng một mô hình QLDA hiệu quả là mong muốn của các bên liên quan trong đó chủ yếu là Chính phủ Việt Nam, nhà tài trợ và Nhà đầu tư.

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án đặc biệt quan trọng của Quốc gia có phạm vi trải dài  3.183km (QĐ số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính Phủ ) dọc đất nước, đặc biệt là phần lớn vị trí tuyến đường đi qua khu vực đồi núi hiểm trở rất khó khăn trong công tác khảo sát thiết kế và thi công xây dựng tuyến đường. Vì thế việc quản lý thực hiện dự án nói chung trong đó có công tác quản lý khối lượng thi công trong từng giai đoạn thực hiện dự án là rất quan trọng. Theo tư duy biện chứng thì việc kiểm soát được khối lượng thi công cũng chính là kiểm soát được tổng mức đầu tư và tiến độ của dự án.

Xuất phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn tác giả nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình nên tác giả lựa chọn đề tài trên làm đề tài nghiên cứu của mình trong luận văn này.

II.             Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu của đề tài vận dụng triệt để các quy định về quản lý khối lượng thi công  xây dựng công trình để phân tích và đánh giá, tìm giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình tại Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh;

III.         Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là Công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình thực hiện tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các phương pháp quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình.

IV.          Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của đề tài bao gồm:

·     Các dự án mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quản lý từ năm 2008 đến nay;

·      Đánh giá và đưa ra giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

V.             Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu lý thuyết kết hợp với thu thập, phân tích, tổng hợp để đánh giá và xử lý khối lượng thực tế để đưa ra những so sánh đối chiếu và kết luận theo mục tiêu nghiên cứu.

VI.          Nội dung nghiên cứu

·        Nghiên cứu về một số khái niệm cơ bản và những nhân tố ảnh hưởng trong quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh;

·         Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh;

·         Nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng về quản lý khối lượng thi công của các công trình thực hiện tại Ban;

·         Nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân dẫn đến khối lượng phát sinh trong quá trình thực hiện dự án;

·        Nghiên cứu chiến lược của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Nghiên cứu các nguyên tắc đề xuất giải pháp quản lý khối lượng thi công. Nghiên cứu và đề ra các giải pháp quản lý khối lượng cho các công trình xây dựng.

Luận văn được chia làm 3 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan về quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình.

Chương 2: Thực trạng công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình tại Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Kết luận và kiến nghị.